Lượt xem: 424

Tăng cường công tác phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò bắt đầu xâm nhiễm vào Việt Nam từ năm 2020. Đến nay, loại bệnh này đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng đàn gia súc bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 1.500 con. Tại Sóc Trăng, hiện chưa ghi nhận báo cáo dịch bệnh từ các địa phương. Tuy nhiên, với tổng đàn trâu, bò hiện có là trên 56.000 con, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao nếu không chủ động giải pháp phòng ngừa ngay từ đầu. Hiện nay, nhiều biện pháp phòng bệnh đang được ngành Chăn nuôi và Thú y từ tỉnh đến cơ sở phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất khi đàn vật nuôi mắc bệnh.

 


Tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

 

    Bệnh viêm da nổi cục do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra. Bệnh không lây nhiễm và không gây bệnh cho người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve… Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

    Tại tỉnh Sóc Trăng, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như: Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch viêm da nổi cục, xử lý triệt để không để lây lan diện rộng. Chuẩn bị hóa chất sát trùng để cung ứng kịp thời phục vụ công tác triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn trâu, bò mới phát sinh và tiêm nhắc lại cho đàn trâu, bò đã được tiêm vaccine sau gần 1 năm... Bên cạnh đó, đơn vị còn tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu bò không rõ nguồn gốc nhập tỉnh.

    Thị xã Ngã Năm có tổng đàn trâu, bò là 1.166 con. Trong những năm gần đây, ý thức của bà con chăn nuôi tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhờ vậy dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được kiểm soát tốt. Riêng đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, hiểu rõ đường truyền bệnh chủ yếu qua côn trùng như: Muỗi, ve, người nuôi đã chủ động ngăn chặn tối đa sự xâm nhập của các loại côn trùng vào bên trong chuồng trại; thực hiện việc phun xịt thuốc diệt côn trùng xung quanh khu vực chăn nuôi theo đúng chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn. Khác với sự lo ngại ban đầu khi tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh, nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của nhân viên thú y từ cấp tỉnh đến cơ sở, đa số hộ nuôi tại nhiều địa phương khác nhau cũng đã có ý thức chủ động hơn trong công tác phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò theo phương châm “phòng bệnh hơn trị bệnh”. Người dân chủ động liên hệ với cơ quan thú y khi đến thời gian tiêm phòng, đồng thời thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng trại, đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ để vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Ông Đặng Văn Hoàng, hộ nuôi bò ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm cho biết: “Bò mắc bệnh viêm da nổi cục nuôi hoài vẫn không lớn, tốn nhiều thức ăn. Nên tôi nuôi rất kỹ, dùng lưới che phủ hết toàn bộ chuồng nuôi, thường xuyên kiểm tra để vá lại những chỗ bị hỏng, hằng tuần cũng pha thuốc diệt ruồi, muỗi, kiến và một số côn trùng khác để tránh truyền nhiễm bệnh cho bò. Khi bò đã mắc bệnh thì điều trị rất là khó, nên chủ động liên hệ với nhân viên thú y để tiêm phòng bệnh cho bò của mình. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại để giữ cho chuồng nuôi được sạch sẽ...”.

    Bệnh viêm da nổi cục hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm phòng vaccine cho đàn trâu, bò là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau, hằng năm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị còn tham mưu cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng kế hoạch tiêm phòng bệnh cho đàn trâu, bò mới phát sinh và tiêm nhắc lại cho những đàn đã được tiêm vaccine sau gần 1 năm. Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa bệnh viêm da nổi cục tại địa phương đạt tỷ lệ 80% trong tổng số đàn trâu, bò hiện có là trên  6.000 con. Đồng chí Lục Văn Đạt – Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Để chủ động trong công tác phòng bệnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch viêm da nổi cục. Khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi sẽ tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng khẩn cấp để bao vây và xử lý ổ dịch, tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ các hóa chất để cung ứng kịp thời, phục vụ cho công tác vệ sinh, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi trên địa bàn huyện...”.

    Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chuẩn bị đầy đủ vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bà con có thể liên hệ với nhân viên thú y xã hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã để đăng ký tiêm phòng và để được hướng dẫn tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Cơ quan chuyên môn cũng lưu ý hộ nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh khử trùng tiêu độc để tiêu diệt véc-tơ truyền bệnh. Thường xuyên theo dõi, giám sát đàn vật nuôi. Trường hợp phát hiện trâu, bò có biểu hiện mắc bệnh viêm da nổi cục cần phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi dần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh để lây lan trên diện rộng. Đồng chí Nguyễn Văn Mười Hai - Phó trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm da nổi cục trên bò, bà con cần thực hiện cách ly khi nhập mới gia súc về nuôi, áp dụng cùng vào, cùng ra để đảm bảo cách ly mầm bệnh; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… Thực hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo mầm bệnh không có cơ hội lây lan vào trại chăn nuôi. Trong thực hiện tiêm phòng, chúng tôi cũng lưu ý bà con một số vấn đề như: Gia súc cần được tiêm phòng trước khi đàn bị nhiễm bệnh; vaccine có thể bảo vệ gia súc sau khi tiêm phòng 3 tuần; bê nghé sinh ra từ những con mẹ đã được tiêm phòng cần được bú sữa non; từ những con mẹ đã từng mắc bệnh thì tiêm lúc lớn hơn 6 tháng tuổi. Bê nghé sinh ra từ những con mẹ chưa được tiêm phòng vaccine thì tiêm lúc lớn hơn 4 tháng tuổi. Trâu, bò đang mang thai, trước đẻ 1 tháng không nên không nên tiêm...”.

    Về lâu dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích hộ nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đây cũng được xem là giải pháp mang tính căn cơ để phát triển ngành chăn nuôi tỉnh nhà theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng đến mục tiêu sản xuất sản phẩm thịt động vật theo hướng sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Đây cũng là yêu cầu thiết yếu trong xu thế phát triển chăn nuôi thời hội nhập nhằm nâng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị sản phẩm mang thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 50
  • Hôm nay: 117
  • Trong tuần: 70,544
  • Tất cả: 11,802,551